Tìm về - nổi lửa văn hóa với lễ hội cồng chiêng Langbiang

Là lễ hội có ý nghĩa quan trọng và độc đáo trong văn hóa của người Tây Nguyên, lễ hội cồng chiêng được xem là một trong những nét đẹp văn hóa đặc sắc và ấn tượng bậc nhất của người Việt Nam. Đặt chân tới vùng đất đỏ Bazan, chiêm ngưỡng những rừng cao su bát ngát, những đồi cà phê mênh mang, mà không tìm về với văn hóa cồng chiêng quả thật là một thiếu sót to lớn.

Thăm Lâm Đồng, ghé vào Đà Lạt, tận hưởng không khí lễ hội cồng chiêng Langbiang chính là một hình thức du lịch độc đáo, hiểu sâu về văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên anh em, đem đến những rung cảm chân thành và sâu xa nhất trong tâm thức của mỗi vị khách du lịch. Nếu bạn đang chuẩn bị có một chuyến đi tới Đà Lạt thơ mộng, mong muốn ghé chân tới Langbiang, thả hồn vào những điệu nhảy bên đống lửa, những tiếng cồng chiêng hòa rộn vang trong tiếng hát thì hãy theo dõi bài viết bên dưới để có cái nhìn rõ hơn về nét đẹp văn hóa đầy ấn tượng này nhé! 

Đôi nét về lễ hội cồng chiêng

Chính thức được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005, văn hóa lễ hội cồng chiêng là một nét văn hóa đẹp, đang được chúng ta ra sức gìn giữ và phát triển, mong muốn lan rộng sự hiểu biết về chúng tới tất cả mọi người.

Lễ hội cồng chiêng là một lễ hội lớn của Tây Nguyên.

Lễ hội văn hóa cồng chiêng là nét đẹp chung của các dân tộc anh em Tây Nguyên: từ người Bana, Xê đăng, M nông tới cơ ho, Rơ măm, Mạ, Ê đê,... Chính vì lẽ đó mà lễ hội này được luân phiên tổ chức tại 5 tỉnh Tây Nguyên hàng năm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông. Có thể nói, lễ hội này là niềm tự hào không chỉ với người dân Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào của toàn thể người dân Việt, đây là di sản thứ hai của nước ta sau Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận danh hiệu quốc tế, vươn tầm nhân loại, chứng minh lịch sử văn hóa đa dạng, lâu đời và nhiều màu sắc của người dân Việt Nam.

Lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm, không có thời gian cố định, các tỉnh Tây Nguyên sẽ theo chỉ định mà luân phiên tổ chức. Lễ hội này không chỉ có ý nghĩa văn hóa, tâm linh to lớn, tôn vinh nét đẹp văn hóa của người dân tộc Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa kinh tế, du lịch khi thu hút một lượng không nhỏ khách du lịch tới chiêm ngưỡng và tham gia hàng năm.

Sự ra đời của lễ hội cồng chiêng

Người già trong làng kể lại: xưa kia khi chưa xuất hiện cồng chiêng, người dân bản vẫn cần mẫn lên nương rẫy, chăm chỉ làm lụng. Một ngày nọ, không biết từ đâu, có một đàn voi dữ và hung ác tới buôn làng. Chúng vô cùng hung dữ, phá hoại mùa màng của buôn làng, vào làng dẫm đạp lên nhà ở, phá hoại và đe dọa mọi người. Dân làng thấy thế thì tức lắm, quyết định tập hợp, cùng nhau đánh đuổi loài voi ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, sức người không thể địch lại với sức mạnh to lớn của loài voi, người dân của buôn làng tuy đã đánh tới sức cùng lực kiệt vẫn không thể chiến thắng.

Cồng chiêng có ý nghĩa văn hóa vô cùng to lớn và đặc biệt.

Không biết phải làm sao, họ chỉ còn biết đáng thương khấn thần Yàng giúp đỡ. Không biết từ đâu, bỗng một ụ đất xuất hiện, ngày càng to lớn. Chờ tới khi ụ đất không còn to ra nữa, người dân bèn đào lên thì thấy vật bằng đồng lớn, hình tròn, to đến nỗi 3 người ôm không xuể. Vật lạ khi gõ vào mang âm thanh lớn, vang xa khắp rừng núi, làm kinh động cả đất trời. Người dân bèn lấy nó gõ mạnh, âm thanh tạo ra như làn sóng lớn, đến tai đàn voi làm chúng kinh hãi, hoảng sợ, vội vàng bỏ trốn vào rừng sâu.

Từ đấy, người dân yên ổn lao động, buôn làng ngày càng trù phú, giàu có. Vật lạ sau này được biết đến với cái tên Cồng Chiêng Tây Nguyên.

Cồng chiêng xuất hiện trong những câu chuyện cổ của các dân tộc anh em, nó hiện hữu trong các lễ hội tại đây, xuất hiện trong từng góc của cuộc sống, người dân Tây Nguyên nghe thấy tiếng cồng chiêng từ khi lọt lòng tới khi mất đi, quen thuộc vô cùng thứ nhạc cụ dân tộc độc đáo và ấn tượng này.

Lễ hội Tây Nguyên diễn ra hàng năm không phải chỉ để tôn vinh cồng chiêng mà còn gắn bó các dân tộc lại với nhau, cùng nhau cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, sung túc.

Địa điểm và thời điểm lễ hội cồng chiêng Langbiang diễn ra

Lễ hội cồng chiêng Langbiang diễn ra dưới chân núi Langbiang hùng vĩ và mộng mơ, nơi buôn làng mang tên gọi là xã Lát, thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng tọa lạc. Đây là nơi định cư và sinh sống lâu đời của người dân tộc Lạch (họ là những cư dân bản địa đầu tiên của thành phố Đà Lạt). Nơi đây hình thành văn hóa cồng chiêng lâu đời, là cái nôi của đời sống sinh hoạt văn hóa của vùng cao nguyên Langbiang.

Núi Langbiang hùng vĩ và mộng mơ.

Khi mặt trời lặn bóng, màn đêm buông xuống, dưới ánh trăng và ngàn sao sáng soi trên bầu trời cũng là lúc bản làng bắt đầu lễ hội cồng chiêng đầy hào hứng, ý nghĩa và sôi động dưới chân núi Langbiang ngàn năm mơ mộng. Tại đây, ta như hòa mình vào ánh lửa bập bùng, lắng nghe những giai điệu hào hứng của giọng ca, tiếng cồng chiêng, chiêm ngưỡng nghi thức văn hóa tuyệt vời của vùng đất này, thưởng thức rượu cần, thịt nướng và cùng nhảy múa với dân làng.  m thanh vang vọng của cồng chiêng như những tiếng gọi từ nơi xa xưa vọng về, hối thúc về tương lai khác, đầy mới mẻ và độc đáo. Du khách như được đắm mình vào nơi đây, thả hồn vào những ý nghĩa văn hóa, tâm linh, tinh thần độc đáo bậc nhất của vùng núi rừng Tây Nguyên ngàn năm hùng vĩ.

Hiện nay, tham gia lễ hội cồng chiêng Langbiang đã được tổ chức như một dạng tour du lịch văn hóa cồng chiêng có giá vé nên hầu hết các tháng trong năm đều sẽ diễn ra lễ hội này. Bạn nên tham khảo những tour này khi có dịp đến với Đà Lạt, Lâm Đồng, tham khảo trước giá cả và thời điểm cũng như những hoạt động, dịch vụ trải nghiệm trong tour để có cho mình sự lựa chọn hợp lý nhất.

Những hoạt động trong lễ hội cồng chiêng Langbiang

Khi tham gia lễ hội cồng chiêng Langbiang, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị và độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa của Tây Nguyên, đem tới những bản sắc mới lạ, làm mới nhận thức và đem đến sự hào hứng bất ngờ cho du khách.

Các hoạt động sẽ diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ, bao gồm các hoạt động như: phần nghi lễ, phần lễ hội, phần giao lưu cồng chiêng và cuối cùng là ăn tối, thưởng thức rượu cần, thịt nướng và các món ăn bản địa cùng người dân của buôn làng.

Hoạt động nghi lễ của giao lưu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Đây là hoạt động đầu tiên của lễ hội. Cũng như các lễ hội của các dân tộc khác từ Bắc tới Nam của nước ta, phần lễ có ý nghĩa thiêng liêng, mang tính khởi đầu đầy thuận lợi cho lễ hội, giúp kết nối con người với tín ngưỡng thần linh, thể hiện những mong mỏi, khơi dậy những khát khao của họ với cuộc sống, mong cầu những gì tốt đẹp và hạnh phúc nhất.

Phần lễ với các nghi thức độc đáo của lễ hội cồng chiêng.

Tại phần lễ này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nghi lễ cầu Thần lửa, lời cầu Yàng, lễ Chào đón thần linh, tiếp đến là khung cảnh người dân trong bộ tộc Lạch và những người dân trong các bộ tộc khác ăn mừng Lúa Mới. 

Cùng với đó, bạn cũng được chiêm ngưỡng điệu múa “A Ráp Mồ Ô” được dựng như khung cảnh lấy nước ở rừng của thiếu nữ mang bầu được các cô gái trong bản biểu diễn. Tiếp theo là múa “Ngày hội rông chiêng” - điệu múa truyền thống được biểu diễn ở hầu hết các lễ hội lớn và lắng nghe tiếng của 6 chàng trai buôn làng đàn chinh K'Ram.

Hoạt động lễ hội ở làng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Sau khi kết thúc nghi lễ chính, cũng là lúc phần lễ hội đầy vui vẻ và náo nhiệt được diễn ra. Đây là thời khắc cùng nhau vui chơi, cùng giao lưu và hoà nhập với nhau giữa những du khách với người dân trong buôn làng. Khi tiếng cồng chiêng gióng lên cũng là lúc báo hiệu nghi lễ kết thúc và bây giờ là lúc lễ hội bắt đầu. 

Phần lễ hội ở làng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên này cũng cho du khách được biết về những nền văn hoá lâu đời, những điều đặc sắc về bộ tộc và đặc biệt hơn cả là nét văn hóa cồng chiêng lâu đời. Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội múa Xoang của vùng đất Tây Nguyên hay còn biết đến là múa tập thể của người dân tộc thiểu số Ba-na. Đây là một điều múa lâu đời được xuất hiện từ thời xa xưa và du khách có thể vào tham gia nhảy cùng vì được xếp thành vòng tròn lớn đi xung quanh ánh lửa đỏ bập bùng ấm áp. 

Giao lưu cồng chiêng ở làng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Điệu múa trâu do những chàng trai dân tộc ở bản làng thể hiện. Tiếp theo là điệu múa “Đi săn Drop P’nu” cũng của những chàng trai buôn làng cùng các cô gái đi săn trong rừng. Điệu “Hoa Langbiang” do những cô gái trong buôn làng cùng biểu diễn mang đậm nét đặc trưng văn hoá của bộ tộc Lạch. 

Các tiết mục hát hò, biểu diễn, nhảy múa đều hấp dẫn và lý thú.

Phần cuối sẽ là phần tiết mục mang tên “Buôn làng giã gạo đêm trăng” cả những chàng trai và cô gái trong buôn sẽ cùng thể hiện. Bao gồm các bài như “Tình ca K’Dung, K’Lang” hay “Ngày mùa trên buôn” và “Tình em bên suối”. Mang đến cho người tham gia kể cả du khách kể cả người dân trong buôn làng một không gian lãng mạn và vui vẻ.

Uống rượu cần và thưởng thức bữa ăn tối cùng người dân Tây Nguyên

Rượu cần là một đặc sản quý báu của núi rừng Tây Nguyên. Nó được tạo nên bởi sự chắt chiu quý báu bao đời của dân làng. Loại rượu này được ủ men trong bình và hoàn toàn không qua bất kỳ quá trình chưng cất nào cả. Khi thưởng thức, bạn sử dụng một cây cần làm bằng tre hoặc nứa, cắm vào bình và hút lên. Rượu cần ngọt dịu, mới uống cảm thấy nhẹ nhàng, ngon miệng nhưng lại là loại rượu ngấm chậm, đem đến cảm giác say đắm, đê mê về sau. Đây là một loại đồ uống vô cùng quý giá của dân làng, chúng được sử dụng để cúng tế Thần Linh, trong các dịp quan trọng và tiếp đãi khách quý.

Thưởng thức rượu cần là nét đẹp độc đáo của người dân nơi đây.

Cùng với đó, thịt nướng cơm lam là món ăn đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Thịt chắc nịch, cơm lam dẻo thơm món ăn quen thuộc khi đến vùng Tây Nguyên. Gà nướng ở Tây Nguyên phải là gà “leo núi chạy bộ” gà đãi khách thường gà tơ và chỉ nặng tầm trên dưới 1kg. Trước khi nướng sẽ ướp với sả, muối, hành tỏi và một số nguyên liệu đặc trưng của Tây Nguyên sau đó sẽ đem nướng trên than.

Lưu ý khi tham gia lễ hội cồng chiêng Langbiang

Những lưu ý dưới đây sẽ giúp hành trình khám phá lễ hội cồng chiêng Langbiang của bạn trở nên hoàn hảo và thành công hơn, chúng sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị sẵn sàng và dễ dàng hòa mình vào cuộc vui đầy ắp tiếng cười của lễ hội:

  • Tìm hiểu về ý nghĩa của lễ hội: việc có tìm hiểu về những ý nghĩa của lễ hội này sẽ giúp bạn hiểu nhanh chóng hơn, dễ dàng hòa mình vào những nghi lễ và các hoạt động tại đây Biết về sự tích cồng chiêng, về ý nghĩa của các điệu hát, điệu nhảy chắc chắn sẽ giúp bạn hào hứng hơn khi tận mắt chứng kiến và trải nghiệm chúng thay vì chỉ nhìn thấy trong tranh ảnh, sách báo.
  • Tham khảo giá các tour lễ hội cồng chiêng: hiện nay có rất nhiều bên công ty tổ chức các tour tham quan và trải nghiệm lễ hội này. Bạn nên tham khảo kĩ và đọc xem những dịch vụ, hoạt động mà tour cung cấp là gì để không bị bỡ ngỡ khi tham gia lễ hội.
  • Về trang phục: nên mặc trang phục thoải mái, tuy nhiên không quá ngắn hay bó sát vì sẽ rất khó vui chơi và nhảy múa. Thời tiết về tối của Langbiang cũng khá lạnh nên du khách cần chuẩn bị áo khoác mỏng để bảo vệ sức khỏe của mình.
  • Tuân thủ quy tắc lễ hội: sẽ có những quy tắc được đặt ra để bảo vệ du khách và dân làng. Bạn nên tuân thủ để bảo vệ bản thân như không nên đến quá gần lửa, thưởng thức rượu cần vừa phải, tùy theo tửu lượng của bản thân, không xả rác bừa bãi, hành xử kém văn minh khi lễ hội diễn ra,…

Lễ hội cồng chiêng Langbiang là một nét đẹp văn hóa, biểu tượng của Tây Nguyên hùng vĩ mênh mông núi rừng. Trong những năm gần đây, lễ hội này ngày càng được biết đến rộng rãi, trở thành một trong những yếu tố níu chân du khách tìm về với buôn làng, khám phá những nét đẹp của rừng núi và con người nơi đây. Đến với Langbiang, trải nghiệm tiếng cồng chiêng náo nhiệt, nhảy múa cùng buôn làng, thưởng thức đê mê bên rượu cần ngọt ngào chắc chắn sẽ là trải nghiệm quý giá bạn không muốn bỏ lỡ khi có cơ hội đặt chân tới mảnh đất này.

4 lượt thích
Bình luận