Thông tin chi tiết giá vé giao lưu văn hóa cồng chiêng

Nổi tiếng trong đời sống văn hóa của các dân tộc anh em tại Tây Nguyên nói chung cũng như vang danh khắp đất nước như một nét đẹp bản sắc đầy ấn tượng và độc đáo, giao lưu văn hóa cồng chiêng hay lễ hội cồng chiêng là một di sản văn hóa to lớn đầy ý nghĩa và xứng đáng được gìn giữ và bảo tồn.

Tìm về với miền đất đỏ phù sa, ẩn mình trong những cánh rừng bát ngát rậm rạp, ta tìm tới Tây Nguyên, tới nơi tiếng cồng tiếng chiêng vang khắp núi rừng bao la. Tham gia lễ hội văn hóa cồng chiêng vừa là một trải nghiệm du lịch đáng nhớ vừa là cách để ta tưởng nhớ đến những quá khứ, câu chuyện về cội nguồn của người dân nơi đây. Nếu bạn đang có mong muốn tới Tây Nguyên, hòa mình vào màu sắc văn hóa tại đây thì bài viết này cực kỳ hữu ích, nơi tập hợp những thông tin về lễ hội này cũng như giá vé giao lưu văn hóa cồng chiêng mà bạn có thể tham khảo.

Câu chuyện văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng với rừng cà phê bạt ngàn, nương rẫy cao su rậm rạp mà còn được biết đến rộng rãi bởi nhiều lễ hội văn hóa như lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, lễ cúng bến nước, lễ Pơ Thi,... và đặc biệt là lễ hội giao lưu văn hóa cồng chiêng. Lễ hội này được biết đến như một biểu tượng của Tây Nguyên, thu hút nhiều lượt khách du lịch tới trải nghiệm, thăm thú và khám phá hàng năm.

Là lễ hội đặc trưng tôn vinh Cồng Chiêng - nhạc cụ văn hóa gắn liền với đời sống người Tây Nguyên.

Người lớn tuổi tại Tây Nguyên hay truyền tai nhau về nguồn gốc của lễ hội cồng chiêng, họ tỉ tê tâm sự với con cháu khi ôm ấp ngoài sân, hay hùng tráng mà kể lại cho cả buôn làng nghe bên bếp lửa bập bùng của nhà Rông cao lớn. Họ kể rằng xưa kia có đàn voi dữ không biết từ đâu mà tràn về buôn làng. Chúng dẫm đạp lên những cánh đồng lớn, phá rẫy, phá buôn, khiến người dân không thể làm ăn, nguy hiểm tới tính mạng. Buôn làng thấy vậy thì tức lắm, quyết định mang theo vũ khí tấn công chúng. Tuy nhiên sức người không thể địch lại sức voi, cuối cùng sức cùng lực kiệt, họ chỉ còn biết chắp tay cầu thần Yàng hiển linh, cứu giúp họ ra khỏi khốn cảnh.

Thần hiển linh, biến ra ụ đất to, họ đào xuống thấy một vật bằng đồng to tròn, 4 người lớn ôm không xuể, khi gõ vào tạo nên tiếng vang to, văng vẳng khắp núi rừng. Người dân bản mang vật này gõ vang rừng núi, đàn voi nghe thấy tiếng sợ hãi bỏ chạy vào rừng sâu, từ đó ít khi quay lại.

Lễ hội được tổ chức lớn với nhiều hoạt động đặc sắc.

Vật này chính là cồng chiêng - sau này đã trở thành nhạc cụ tại Tây Nguyên và có ý nghĩa to lớn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây. Từ khi sinh ra tới khi mất đi, người dân Tây Nguyên đã quen với tiếng cồng, tiếng chiêng, thứ âm thành đánh vào tâm hồn, vang lên những âm điệu của cuộc sống núi rừng, buôn làng.

Chúng được coi như là phương tiện để thông linh với thần, giao hòa giữa trời và đất, giữa con người với đấng tối cao, giữa cái hiện hữu với cái không hiện hữu. Bên cạnh đó, những tiếng ca, điệu múa bên tiếng cồng chiêng lễ hội cũng mang ý nghĩa cầu mùa màng bội thu, cầu ấm no, bình an và hạnh phúc.

Địa điểm và thời gian diễn ra lễ hội cồng chiêng

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên không có thời gian cố định, mỗi năm lại được tổ chức tại một thời gian và địa điểm khác nhau. Thông thường, lễ hội này sẽ thường diễn ra vào tháng 3 và kéo dài tới hết tháng 12 hàng năm. 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) sẽ luân phiên nhau tổ chức và được chỉ định tổ chức lễ hội này. Nhờ có lễ hội này mà tỉnh sẽ thu hút thêm được đông đảo du khách ghé thăm, phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch cho tỉnh.

Lễ hội cồng chiêng mang đến sức mạnh tinh thần, văn hóa và tâm linh.

Ngoài ra có các tour du lịch văn hóa cồng chiêng được tổ chức riêng chỉ để phục vụ du lịch, bạn có thể chọn những tour này để vừa chủ động về mặt thời gian mà vẫn được cảm nhận lễ hội đậm đà bản sắc bản sắc văn hóa này. 

Đến với lễ hội, bạn sẽ được lắng nghe và tìm hiểu những kiến thức về cồng chiêng, tự tay cảm nhận và nhìn ngắm chúng - thứ mà chúng ta đáng lẽ chỉ thấy trong sách giáo khoa. Bạn sẽ được tận tai lắng nghe âm vang của cồng chiêng, chiêm ngưỡng những điệu nhảy của vũ điệu cồng chiêng đầy mê hoặc, cùng nhau ca múa, tham gia vào lễ hội như một phần nơi đây, thưởng thức rượu cần và nhiều đặc sản độc đáo của vùng núi rừng Tây Nguyên.

Chi tiết giá vé giao lưu văn hóa cồng chiêng

Nếu bạn tham dự vào lễ hội văn hóa cồng chiêng lớn do các tỉnh của Tây Nguyên tổ chức thì hầu hết sẽ không mất vé, bạn chỉ cần tới địa điểm đó, tham dự và hòa mình vào không khí lễ hội độc đáo nơi đây.

Các hoạt động du lịch văn hóa, tham gia lễ hội giao lưu văn hóa cồng chiêng ngày càng nhiều và rộng rãi.

Tuy nhiên nếu không kịp về mặt thời gian và là người lần đầu đi tới thăm thú lễ hội độc đáo này, bạn nên lựa chọn những tour lễ hội tại Đồi Mộng Mơ và Xã Lát, huyện Lạc Dương (chân núi Langbiang, tỉnh Lâm Đồng). Giá theo tour của chuyến đi này thường giao động trong khoảng 200.000 - 500.000 vnđ/ người tùy theo những hoạt động bạn trải nghiệm cùng thời gian tham gia lễ hội và các dịch vụ đi kèm. Đây là một mức giá khá hợp lý để trải nghiệm nét đẹp văn hóa lâu đời đầy ấn tượng của các anh em dân tộc Tây Nguyên này.

Đến với Tây Nguyên, nhìn ngắm những khu rừng hùng vĩ, đắm mình vào giai điệu vui tươi của cồng chiêng, ta như lạc vào một miền không gian khác - không gian của thiên nhiên và những vẻ đẹp bạt ngàn ấn tượng. Trải nghiệm lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chắc chắn sẽ khiến bạn mê đắm và đem về biết bao kỷ niệm đáng giá không thể nào quên.

4 lượt thích
Bình luận