Khám phá 7 lăng tẩm ở Huế - cổ kính và đậm màu sắc lịch sử

Hệ thống lăng tẩm là những công trình mang ý nghĩa văn hóa và lịch sử ấn tượng, được lưu truyền và gìn giữ cho tới ngày nay. Hiện nay, chúng được xem như một trong những điểm nhấn đặc biệt của Huế, là dấu ấn giữ chân du khách đến với mảnh đất mộng mơ có bề dày lịch sử đầy nổi bật này.

Mỗi một lăng tẩm lại là một câu chuyện của quá khứ, gợi nhắc về lịch sử đã chảy trôi qua vùng đất mộng mơ, rất thơ, rất tình này.

Đôi nét về 7 lăng tẩm ở Huế

Ở Huế có tất cả 7 lăng tẩm, là nơi chôn cất 13 đời vua nhà Nguyễn - triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. 7 lăng tẩm này có màu sắc và kiến trúc riêng biệt, đều được xây dựng khi nhà vua còn ở trên ngai vàng, do chính nhà vui phê duyệt bản thiết kế và giám sát xây dựng. Bởi lẽ ấy, mỗi một lăng tẩm lại là một câu chuyện về tính cách, cuộc đời và giang sơn của một đời vua Nguyễn.

7 lăng tẩm đều nằm ở phía Tây kinh thành, lựa chọn những vị trí đắc địa, sở hữu “long mạch” trong phong thủy, tương truyền sẽ đem đến sự thịnh vượng, phát triển cho đời sau. Sở dĩ được đặt ở phía Tây bởi lẽ, theo quan niệm xưa, sau khi khuất núi, vua sẽ cùng mặt trời đi về phía Tây nên đặt lăng mộ ở đây sẽ đúng với phong thủy và giúp nhà vui đi về cõi vĩnh hằng suôn sẻ.

Mặc dù có tới 13 đời vua Nguyễn nhưng lại chỉ có 7 lăng mộ cho tới hiện nay là bởi lẽ, để lựa chọn nên một mảnh đất có long mạch, phong thủy tốt là vô cùng khó khăn và tốn nhiều thời gian nên có những lăng tẩm là nơi an nghỉ của 2 - 3 vị vua, chúng được xây liền kề hoặc chồng lên nhau. Do đó, chỉ có tất cả 7 lăng mộ tại đây. Có thể kể đến khu lăng Tự Đức là nơi an táng của 2 vị vua: vua Tự Đức, vua Kiến Phúc và 1 hoàng hậu: hoàng hậu Lệ Thiên Anh (vợ vua Tự Đức); lăng vua Dục Đức cũng là nơi an táng của 3 vị vua: vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân.

Khám phá 7 lăng tẩm đậm chất nghệ thuật kiến trúc tại Huế

Lăng Gia Long – Thiên Thọ Lăng

Là lăng tẩm có diện tích lớn nhất, to nhất và đầu tư kỹ lưỡng nhất trong 7 lăng tẩm ở Huế, Lăng Gia Long - Thiên Thọ Lăng là lăng tẩm chắc chắn bạn nên ghé thăm khi tới Huế.

Lăng Gia Long có kiến trúc hoành tráng và đậm chất uy nghi.

Đây là lăng của Nguyễn Ánh - vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Mang tên Thiên Thọ, một cái tên đầy ý nghĩa và choáng ngợp là bởi lẽ, khu lăng tẩm này nằm trên quần thể núi Thiên Thọ, gồm 42 quả đồi lớn nhỏ và có tổng diện tích khoảng hơn 28 km2.

Lăng Gia Long được xây dựng trong 6 năm và hoàn thành vào năm 1820 mang nét kiến trúc truyền thống phương đông. Khu tẩm lăng được chia làm 3 khu vực: Khu lăng mộ, Bi đình và Điện Minh Thành. Tất cả đều được xây dựng tỉ mỉ, tính toán cẩn thận tới từng chi tiết và được khen ngợi là ngôi mộ có kiến trúc độc đáo nhất nước ta. Khu lăng mộ này có thể được ghé thăm bằng đường bộ hoặc chèo thuyền theo dòng sông Hương, ẩn mình trong những tán cây xanh rì, mang lại cảm giác vừa cổ kính trang nghiêm vừa đồ sộ, uy nghi.

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng là lăng mộ có thời gian lựa chọn địa điểm xây dựng lâu nhất khi phải mất đến 14 năm vua Minh Mạng mới có thể chọn được vùng đất ưng ý và bản thiết kế khiến ông hài lòng. Sau 1 năm, vua băng hà, con trai vua là vua Thiệu Trị lên ngôi tiếp tục cho xây lăng và tới năm 1842 - sau 3 năm vua cha mất, lăng mộ mới được hoàn thành.

Lăng Minh Mạng tọa lạc nơi sơn thủy hữu tình, mang khung cảnh thơ mộng.

Tọa lạc ở núi Cẩm Kê, thuộc An Bằng, huyện Hương Trà, lăng Minh Mạng nằm gần ngã ba Bằng Lãng, là nơi giao nhau của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để cùng nhau tạo nên sông Hương. Nhìn từ trên cao, lăng tẩm như một cơ thể con người nằm gối đầu lên ngọn đồi, tứ chi duỗi ra phía ngã ba sông.

Lăng Minh Mạng gồm khoảng 40 công trình kiến trúc lớn nhỏ, là sự tổng hợp vô cùng hài hòa của những công trình đậm chất nghệ thuật, thể hiện sự uy nghi, bệ vệ của nơi đây.

Lăng Thiệu Trị – Xương Lăng

Lăng Thiệu Trị hay còn gọi là Xương Lăng cũng là một công trình ấn tượng và độc đáo. Khác với quan niệm quy tiên về hướng Tây, lăng tẩm vua Thiệu Trị lại có hướng Tây Bắc, nhìn ra khung cảnh xanh mát của đồng quê, cũng những cánh đồng bát ngát, hàng cây xanh tươi, cuộc sống nảy nở.

Xương Lăng uy nghi và ấn tượng, hướng về cuộc sống nhân dân.

Lăng Thiệu Trị cách trung tâm thành phố Huế hơn 8km, tựa vào núi Thuận Đạo của làng Cư Chánh, thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy. Đây là khu lăng mộ có thời gian xây dựng ngắn: chỉ vỏn vẹn trong 10 tháng của năm 1948. Tuy có quy mô không lớn nhưng lăng mộ này vẫn có giá trị kiến trúc ấn tượng, được tổng hợp và chắt chiu từ những nét đẹp của hai lăng mộ đi trước: lăng Minh Mạng và lăng Gia Long.

Lăng Tự Đức – Khiêm Lăng

Lăng Tự Đức - Khiêm Lăng cũng có câu chuyện đặc biệt của mình. Khi mới khởi công xây dựng, lăng có tên là “Vạn Niên Cơ”, xong vì bóc lột để xây lăng quá nhiều, dân chúng nổi dậy, lăng đổi tên thành Khiêm Lăng - ý chỉ sự khiêm nhường, không còn quá phô trương nữa.

Lăng Tự Đức cổ kính và đẹp nên thơ.

Sau 3 năm xây dựng, lăng Tự Đức được hoàn thành và mang vẻ đẹp khá ấn tượng. Toàn bộ công trình có diện tích 12ha, bốn bề cây cối xanh biếc, cảnh sắc nên thơ, không gian thơ mộng. Toàn bộ lăng được phân bố trên 2 trục song song cùng lấy núi Giáng Khiêm làm tiền án. Lấy núi Dương Xuân làm hậu chuẩn. Hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường. Tất cả tạo nên một lối kiến trúc vô cùng độc đáo về mặt phong thủy và thẩm mỹ.

Tại tẩm lăng này, vua Tự Đức đã sinh sống và làm việc trong suốt 10 năm trước khi băng hà nên mang nhiều dấu ấn của nhà vua lúc sinh thời, và đó cũng làm nên điều đặc biệt của Khiêm Lăng so với các tẩm lăng khác.

Lăng Dục Đức (An Lăng)

Lăng Dục Đức là nơi an nghỉ của 3 đời vua Nguyễn: vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân. Khu lăng mộ này có phần khá nhỏ và khiêm tốn hơn các lăng mộ khác, mang đậm màu sắc kiến trúc cung đình Huế, in dấu trên lịch sử của kiến trúc Việt Nam.

Lăng Dục Đức mang đậm kiến trúc cung đình Huế.

Vua Dục Đức chỉ tại vị được 3 ngày sau đó bị phế truất và chết trong ngục, sau khi con trai của Dục Đức là Thành Thái lên ngôi vua mới cho xây dựng An Lăng để làm nơi an nghỉ cho vua cha. Sau đó ông và con trai (vua Duy Tân) cũng được an táng tại đây. An Lăng gồm 20 công trình lớn nhỏ và được chia ra làm 2 khu vực rõ ràng: lăng và tẩm. Tất cả đều được thiết kế theo thẩm mỹ kiến trúc của thời đại, mang đến dấu ấn riêng đầy ý nghĩa.  

Lăng Đồng Khánh – Tư Lăng

Là lăng mộ có thời gian xây dựng khá dài: từ năm 1888 đến năm 1923, trải qua 4 đời vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định nên có thể nói, Tư Lăng là một quần thể kiến trúc ấn tượng và theo nhiều trường phái kiến trúc khác nhau.

Lăng Đồng Khánh mang các trường phái kiến trúc khá đa dạng.

Lăng Đồng Khánh được chia thành 2 khu vực: Khu tẩm điện và khu lăng. Đặc biệt, khu tẩm điện của lăng khá sang trọng và lộng lẫy khi được sơn son thếp vàng tỉ mẩn. Lăng mộ này được tiếp giao với văn hóa Tây  u nên được xây dựng theo lối kiến trúc khá độc đáo, kết hợp pha trộn đầy tính nghệ thuật của phong cách kiến trúc cổ điển Á Đông với phong cách châu  Âu mới mẻ.

Lăng Khải Định – Ứng Lăng

Là lăng mộ cuối cùng của nhà Nguyễn, Ứng Lăng - Lăng Khải Định là công trình thể hiện sự giao thoa của thời đại, mang đến những cái nhìn đầy mới mẻ của du khách về một thời kỳ xưa cũ, khi mà văn hóa Pháp dần pha trộn và đi vào đời sống của người Việt Nam.

Lăng Khải Định mang phong cách phương Tây khá hiện đại.

Ứng Lăng nhìn từ xa như một tòa lâu đài châu Âu nhưng lại có hoa văn Việt, công trình này được xây dựng  trong 11 năm, và hoàn thành vào năm 1931. Trong lăng có rất nhiều nét kiến trúc giao thoa độc đáo, ắt hẳn sẽ khiến bạn phải trầm trồ bởi tính nghệ thuật cao và sự tính toán tỉ mỉ trong thiết kế và xây dựng của chúng.

Tới Huế, đặt chân tới mảnh đất thân thương, ngắm nhìn dòng sông Hương chảy hiền hòa, đặt chân tới và tận mắt chiêm ngưỡng những lăng tẩm cổ kính, phủ đầy rêu phong, ánh lên sắc màu của thời gian phai nhạt chắc chắn sẽ là kỉ niệm quý giá bạn không thể nào quên. Khám phá những lăng tẩm của 13 đời vua Nguyễn, bạn sẽ cảm nhận được giá trị lịch sử của cố đô, thấm nhuần thêm tình yêu Huế nói riêng và yêu nước nói chung.

1 lượt thích
Bình luận